Polypropylene hay PP là một loại nhựa khá cứng và được sử dụng trong nhiều đồ vật khác nhau. Trong ngành công nghiệp bao bì, PP cũng chiếm một tỷ trọng lớn và có sản phẩm được ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp khác. Tuy nhiên, bạn có biết rằng có nhiều loại PP với tính chất vật lý khác nhau không?
Polypropylene được tạo ra từ propylene đơn phân tử. Công thức hóa học của polypropylene là (C3H6)n. PP là một trong những loại nhựa rẻ nhất hiện nay và có tỉ trọng nhỏ nhất trong các loại nhựa thông dụng. Sau quá trình Polymer hóa, PP có thể tạo ra 1 trong 3 dạng cấu trúc chuỗi polymer dựa trên vị trí nhóm methyl.
Các loại Polypropylene
Có 2 loại chính hiện nay trên thị trường là Homopolymer và Copolymer.
Homopolymer (PPH)
PP Homopolymer hay Plypropylene Homoplymer (PPH) là loại nhựa được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Phân tử của nó bao gồm một chuỗi Propylene monome. Ứng dụng chính của nó thường thấy như bao bì, vải, y tế, ống nhựa, đồ điện…
Copolymer (PPC)
PP Copo hay Polypropylene Copolymer (PPC) gồm 2 loại phân biệt:
-
PP Random Copolymer (PPRC) là sản phẩm polymer hóa Propylene (C3H6) và Ethene (C2H4). Lượng Ethene thường chiếm 6% tổng khối lượng và phân bố ngẫu nhiên trong chuỗi polymer. Loại nhựa này mềm dẻo và có độ trong cao. Chúng được sử dụng cho các sản phẩm yêu cầu độ trong suốt hoặc bề ngoài bóng bẩy.
-
PP Block Copolymer (PPBC) có chứa lượng Ethene cao hơn (5-15%). Mỗi monome của nó gồm 2 phân tử propylene và ethene nối với nhau tạo thành một block. Do cấu trúc này, nó cứng hơn và ít dễ vỡ so với PPH và PPRC. Nó đủ mạnh để được sử dụng trong các ngành công nghiệp nặng.
Ngoài ra còn có một loại ít được sử dụng hơn gọi là PP Impact Copolymer (PPIC). Đây là loại nhựa được tạo ra khi PPH được trộn với PPRC và có lượng ethene (phân tử) chiếm 45-65%.
So sánh PPH và PPC
PPH có tỉ lệ độ bền kéo trên trọng lượng cao, cứng và bền hơn PPC. Kết hợp với tính trơ vốn có của PP và khả năng đúc nhiệt khiến nó trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu cho các cấu trúc cần chống ăn mòn.
PPC thì mềm hơn nên chống va đập tốt hơn. Về tổng thể, nó có độ bền sử dụng cao hơn PPH. Nó khó bị đứt, rách và chịu được nhiệt độ thấp hơn PPH. Tuy nhiên, các đặc tính khác của PPC sẽ giảm đi một chút.
Nhìn chung, nếu không có yêu cầu đặc biệt, cả 2 loại PP đều có thể được sử dụng cho các mục đích tương tự. Về mặt giá cả, PPC thường có giá cao hơn một chút so với PPH. Đối với bao bì, các loại bao bì mềm như bao tải PP dệt, túi PP không dệt… thì PPC có tính chất phù hợp hơn. PPRC có độ trong cao, rất phù hợp với các loại túi trong suốt. PPH thích hợp hơn với các loại bao bì cứng như bình, lọ… hay làm các chi tiết kĩ thuật.
Thông tin được chỉnh sửa bởi: HEFC