Các hoạt động truyền thông trên mạng xã hội làm thế nào để hỗ trợ doanh nghiệp của bạn? Các kênh như Facebook ảnh hưởng thế nào đến việc nhận diện thương hiệu?
Tin vui là ngày càng có nhiều người nhận ra hiệu quả của việc truyền thông trên mạng xã hội và muốn đo lường hoạt động này. Tuy việc đo lường không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng qua một vài bước đơn giản dưới đây bạn có thể xây dựng một chiến lược đo lường đáp ứng các mục tiêu của doanh nghiệp.
Nếu xem nhận diện thương hiệu như một phần trong quy trình bán hàng, có ba giai đoạn nhận diện thương hiệu cần được đo lường. Đó là số lượng người biết đến (exposure), tương tác của họ (engagement), và tầm ảnh hưởng (influence).
1. Số người biết đến (Exposure)
Bài đăng của bạn có tiềm năng lan đến bao nhiêu người? Dưới đây là một số chỉ số giúp bạn đo xem thương hiệu của bạn thu hút được bao nhiêu người trên mạng xã hội. Để tránh đếm một người nhiều lần, hãy xem tỷ lệ tăng trưởng dưới dạng phần trăm so với con số tổng.
- Twitter: Lượng reach tiềm năng hàng tháng được xác định bằng số lượng những người theo dõi bạn và số lượng những người theo dõi tweet lại nội dung của bạn. Hãy theo dõi hai con số này riêng biệt và so sánh tỷ lệ tăng trưởng tháng này so với tháng trước đó. Bằng cách này, bạn sẽ nhìn ra tốc độ tăng trưởng nhóm nào tốt nhất. TweetReach là một công cụ miễn phí cho phép bạn theo dõi những chỉ số này.
- Facebook: Theo dõi tổng số người theo dõi trang thương hiệu của bạn. Kiểm tra số lượng bạn bè của những người vừa trở thành người theo dõi sau một chương trình khuyến mãi hoặc sau một khoảng thời gian nhất định, cũng như số lượng bạn bè của những người đã thích hoặc bình luận trên bài viết của bạn. Nhờ đó, bạn có thể xác định lượng reach tiềm năng mỗi tháng. Facebook Insights là một nguồn thông tin hữu ích để thu thập dữ liệu này.
- YouTube: Theo dõi tổng số người đăng ký kênh của bạn và tổng số lượt xem video liên quan đến một chương trình khuyến mãi hoặc trong một khoảng thời gian nhất định, ví dụ như một tháng.
- Blog: Theo dõi số lượng lượt truy cập vào blog và các hoạt động trên blog liên quan đến một chương trình khuyến mãi hoặc trong một khoảng thời gian nhất định.
- Email: Kiểm tra số lượng người có trong danh sách gửi email và số lượng người thực sự nhận được email.
Exposure là giai đoạn đầu tiên trong quy trình nhận diện thương hiệu, tượng trưng cho tổng số lead tiềm năng cho việc bán hàng.
2. Tương tác (Engagement)
Có bao nhiêu người thực sự làm gì đó sau khi xem nội dung của bạn?
Đây là một trong những thước đo quan trọng nhất vì nó cho thấy số lượng người đủ quan tâm đến nội dung bạn đưa ra, đến mức họ thực hiện một hành động nào đó.
May mắn thay, tương tác khá dễ đo lường thông qua các công cụ như Radian 6, Biz360 và TweetEffect. Các công cụ này chỉ ra những người bạn nên nhắm tới và khiến họ quay lại với bạn trên mạng xã hội.
- Twitter: Đếm số lần người ta bấm vào đường liên kết của bạn, số lần thông điệp của bạn được tweet lại và số lần sử dụng hashtag. Tiếp theo, đếm số lượng người thực hiện những hành động đó. Bạn cũng có thể theo dõi số lượng @replies và tin nhắn trực tiếp, nếu bạn có thể phân loại chúng theo chiến dịch.
- Facebook: Xác định số lần người ta bấm vào đường liên kết của bạn và số lần bài viết của bạn được thích hoặc bình luận. Tiếp theo, chia nhỏ hai nhóm này thành số lượng người tương tác. Bạn cũng có thể theo dõi tương tác của các bài viết trên timeline riêng biệt với tin nhắn inbox, nếu bạn biết mỗi bài viết hoặc tin nhắn đó liên quan tới chiến dịch truyền thông xã hội nào.
- YouTube: Đếm số lượng người bình luận trên video của bạn, số lần video được đánh giá, số lần chia sẻ và số lượng người đăng ký mới.
- Blog: Theo dõi số lượng bình luận, số lượng người đăng ký mới, số lần chia sẻ và nơi được chia sẻ tới. Lưu ý theo dõi số lượng blog của bên thứ ba mà bạn đã để lại bình luận và lưu lượng truy cập từ đó đến trang web của bạn.
- Email: Đếm số lượng người mở, nhấp và chia sẻ email của bạn. Đừng quên theo dõi cả nơi được chia sẻ tới và số lượng người đăng ký mới thu được từ chiến dịch.
3. Tầm ảnh hưởng (Influence)
Đây là một chỉ số mềm, mang tính chủ quan và phụ thuộc vào cách mà mỗi công ty định nghĩa nó. Theo cơ bản, bạn cần xem xét thái độ của mỗi tương tác (engagement) đã được đề cập ở trên có tích cực, trung lập hay tiêu cực. Nói cách khác, chiến dịch của bạn đã mang lại cảm xúc tích cực cho người xem hay chưa?
Một số công cụ tự động hóa mà bạn có thể sử dụng là Twitalyzer, Social Mention, Radian 6 và ScoutLabs. Tuy nhiên, hãy luôn kiểm chứng các chỉ số cảm xúc mà phần mềm cung cấp. Chỉ số Tầm ảnh hưởng thường được thể hiện dưới dạng phần trăm cảm xúc tích cực, trung lập và tiêu cực. Tuy nhiên, hãy luôn kiểm tra thủ công để xác minh kết quả cảm xúc.
Một cách ứng dụng chỉ số Tầm ảnh hưởng là xem xét ảnh hưởng của những người đã tương tác với bạn. Nếu đám đông tương tác bao gồm cả những người có tầm ảnh hưởng lớn với lượng người theo dõi đông đảo và những người bình thường với lượng người theo dõi khiêm tốn, thì đó là một điều tốt.
Nếu không phải như vậy, bạn cần đầu tư vào Tầm ảnh hưởng của mình hơn nữa. Việc chăm sóc cả người theo dõi có tầm ảnh hưởng lớn và người theo dõi bình thường rất quan trọng. Lưu ý: Nhiều công cụ đo Cảm xúc Tương tác và Tầm ảnh hưởng có tính phí sử dụng và có thể bạn cần kết hợp một số công cụ để đo lường tất cả các kênh mạng xã hội.
4. Phễu tạo Lead
Sau khi bạn đã đo lường giai đoạn Tầm ảnh hưởng của phễu, bạn đã tiến đến phần mà nhiều công ty chỉ mới bắt đầu nỗ lực đo lường của mình. Đó là phễu tạo lead, là điểm kết thúc của quá trình tạo nhận diện thương hiệu, và từ đó người ta mới nói đến các hoạt động tăng chỉ số hiệu suất đầu tư (ROI) truyền thống.
Exposure, influence và engagement đại diện cho việc nhận diện thương hiệu trong quá trình đo lường.
Hiểu được khả năng tiếp cận, tương tác và ảnh hưởng của thương hiệu thông qua các kênh xã hội sẽ giúp bạn xác định rõ lý do bạn xuất hiện trên các kênh đó và tác động của bạn lên từng kênh. Mô hình này có thể được áp dụng cho các mạng xã hội khác nhau.
Sau khi bạn đã đo lường tất cả thông tin này, cần tổng hợp chúng như thế nào? Excel là một công cụ tuyệt vời để sắp xếp và trình bày dữ liệu một cách logic và có ý nghĩa. Hãy tạo một bảng thông tin trên Excel để làm nổi bật các chỉ số quan trọng nhất đối với doanh nghiệp của bạn. Tạo một tab chứa thông tin tổng hợp từ nhiều chiến dịch và một tab riêng cho mỗi chiến dịch trong khoảng thời gian bạn muốn báo cáo. Cuối cùng, vì truyền thông xã hội chỉ là một công cụ trong mix marketing, việc trình bày báo cáo truyền thông xã hội cũng nên đồng nhất về định dạng với báo cáo marketing truyền thống của doanh nghiệp của bạn.
Bài gốc: HEFC
Bài viết được dịch bởi HEFC