Khi Emagazine là mục tiêu tạo bản sắc
Thể loại Emagazine trên báo điện tử (BĐT) là sản phẩm đa phương tiện (multimedia) có thể bao gồm cả chữ viết, ảnh tĩnh, ảnh động, video, file âm thanh, Infographic được thiết kế theo phương thức hoàn toàn mới.
Một bài viết được thể hiện dưới dạng Emagazine trên báo điện tử Vietnamplus. Ảnh: chụp màn hình
Điểm đặc biệt của thể loại báo chí này là phần text (chính văn) có thể dài vài ngàn từ, với thông tin mang tính tổng hợp, pha trộn giữa bút pháp tường thuật, bình luận và phân tích chuyên sâu nhưng lại được trình bày theo phong cách tạp chí được thiết kế cầu kì và sang trọng với hình ảnh, ngôn ngữ được trình bày phá cách, tạo ấn tượng mạnh.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nhà báo, xu hướng ứng dụng thể loại Emagazine vào sản xuất tác phẩm báo chí trên báo điện tử quả thực là một hướng đi chuẩn chỉ, đưa báo chí trở lại con đường đúng chức năng, nhiệm vụ của nó là định hướng độc giả, cung cấp những giá trị mang tính cốt lõi của báo chí, thay vì chạy đua về tin tức với mạng xã hội.
Các bài dạng Emagazine trên Vietnamplus được chia theo các lĩnh vực rất dễ tìm kiếm
Mặc dù hiện nay có nhiều tòa soạn cũng đang triển khai thực hiện các bài báo theo định dạng này nhưng nói đến loại hình này thì trước tiên phải nhắc đến báo điện tử VietnamPlus với tư cách là đơn vị đi tiên phong…
Theo nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng Biên tập Báo điện tử Vietnam Plus (Thông tấn xã Việt Nam), những bài Emagazine đã tạo nên một diện mạo mới cho báo điện tử. Mỗi cơ quan lại đặt cho các tác phẩm báo chí chuyên sâu của mình bằng một cái tên, như Mega Story hay Emagazine, song cũng đều là một dạng thức của “Long-form Storytelling”. Quan trọng nhất là cuộc đua chất lượng như thế đang đem lại lợi ích cho tất cả. Không chỉ độc giả Việt Nam mà độc giả thế giới đã đến lúc chán ngán những thông tin “click-bait” (câu view), hay tệ hơn nữa là “fake-news” vốn đang lan tràn trên mạng xã hội.
Thậm chí, công chúng của chúng ta mong muốn được đọc những bài báo có giá trị như họ đã từng rất thích, rất nhớ các bài phóng sự chất lượng trên báo in. Tuy nhiên, giờ là thời đại của công nghệ mới. Những bài báo như thế vẫn có thể đường hoàng xuất hiện trên các trang báo mạng. Và quan trọng hơn là nó sẽ trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều nhờ những ưu thế vượt trội của báo điện tử.
“Đây quả thực là một hướng đi chuẩn chỉ, đưa báo chí trở lại con đường đúng chức năng, nhiệm vụ của nó là định hướng độc giả, cung cấp những giá trị mang tính cốt lõi của báo chí, thay vì chạy đua về tin tức với mạng xã hội. Đã qua rồi cái thời báo chí cho gì độc giả đọc nấy, nhưng cũng đã đến lúc họ chán những thông tin giật gân câu khách để tìm kiếm những thông tin có giá trị. Hơn nữa, trong số vô vàn tờ báo, trang mạng hiện nay, thật khó để độc giả nhớ đến tên một tờ báo hay tác giả nào đó, vì tình trạng xào xáo lẫn nhau, hoặc cả làng báo chạy theo một trào lưu tin tức nào đó. Mà trên môi trường mạng xã hội, thông tin thường chảy liên tục, làn sóng sau dập làn sóng trước nên những cách đưa tin thông thường đã trở thành nhàm chán. Chỉ khi bạn làm một sự khác biệt mới để lại dấu ấn. Đi sâu hơn các vấn đề đằng sau sự kiện mới chính là chức năng quan trọng của báo chí hiện nay. Và đó là cách mà chúng tôi đang đi” – Phó Tổng biên tập báo điện tử Vietnamplus khẳng định.
Triển vọng tăng nguồn thu cho báo mạng điện tử
Đã có một số những nghiên cứu gần đây về thể loại này, trong đó, thạc sĩ Ngô Văn Phong – Giảng viên Đại học Văn hóa với công trình nghiên cứu của mình đã chỉ ra rằng, triển vọng tăng nguồn thu cho báo điện tử từ các bài viết dạng Emagazine là có cơ sở. Ông Phong cho biết: "Rõ ràng, dù ra đời muộn nhưng thể loại báo chí mới này đã ngay lập tức thể hiện được sức sống của mình khi được các cơ quan BĐT quan tâm, đầu tư và tạo điều kiện ở mức tốt nhất. Và ở chiều ngược lại, Emagazine cũng giúp các BĐT cải thiện nguồn thu đáng kể.".
Báo Thanh niên "chuộng" cách triển khai thể loại này với sự đầu tư chỉn chu về hình ảnh, màu sắc và bố cục trình bày
Để minh chứng cho nhận định trên, thạc sĩ Ngô Văn Phong đã có những nghiên cứu trên một số các tờ báo điện tử hiện nay. Theo kết quả khảo sát 200 độc giả, có tới 168 người được hỏi đều trả lời họ đọc báo mạng điện tử thường xuyên (chiếm 84%), chỉ có 32 người (chiếm 16%) ít khi đọc BĐT. Tại Việt Nam các BĐT được công chúng báo chí thường xuyên sử dụng là Vnexpress.net (122 lượt chọn), Dantri.vn (89 lượt chọn), Vietnamnet.vn (101 lượt chọn), Laodong.vn (87%), Thanhnien.vn (117 lượt chọn), Tienphong.vn (57 lượt chọn), Zingnews.vn (87 lượt chọn).
Các bài viết dạng Emagazine được sản xuất rất nhiều trong ngày và đều thuộc top bài đọc nhiều
Số liệu này cho thấy, công chúng báo chí đã có sự lựa chọn thiên về các BĐT lớn, uy tín và có bề dày phát triển tại Việt Nam. Thực tế đây cũng chính là những tờ BĐT có sự ứng dụng yếu tố đa phương tiện triệt để hơn và đều có các bài viết được thiết kế dưới dạng thể loại E-magazine.
Đặc biệt, với tốc độ phát triển và sự quan tâm của công chúng ngày càng nhiều là cơ sở để các cơ quan BĐT điều chỉnh báo giá nhằm tăng nguồn thu cho đơn vị mình. Để có một bài PR dạng Emagazine đăng tải trên BĐT, khách hàng phải trả một nguồn kinh phí không hề nhỏ và ngày càng tăng.
Ông Phong đưa ra một số ví dụ như: trên Vietnamnet.vn trong năm 2019, ngoài chi phí thiết kế cho một bài E-magazine từ 13 đến 15 triệu, cộng với ví trí đăng tải. Nếu vị trí tốt, chi phí sẽ rơi vào hàng chục triệu, thậm chí năm 2021 nếu thiết kế và đăng tải ở khu vực mới, nóng (vị trí mới nóng & đồng thời xuất bản tại vị trí Top 1 chuyên mục trong thời gian 2 giờ) chi phí lên đến gần một trăm triệu đồng (khoảng 90 triệu đồng).
Các bài viết dạng Emagazine được sản xuất rất nhiều trong ngày và đều thuộc top bài đọc nhiều
Trên báo Thanhnien.vn có giá thấp hơn rất nhiều, nhưng cũng có sự biến động tăng như Vietnamnet.vn khi năm 2019 là 21 triệu đồng, năm 2020 là 27 triệu đồng và năm 2021 là 39 triệu đồng. Trong số các báo khảo sát, Laodong.vn là không có biến động nhưng con số cũng không hề nhỏ (35 triệu đồng).
So sánh bảng giá của bài PR thuộc thể loại E-magazine với bài PR thông thường để thấy sự đóng góp của thể loại báo chí mới này trong việc tăng thu nhập cho từng cơ quan báo chí điện tử trong bối cảnh hiện nay.
“Hơn nữa, dù muốn hay không với chi phí sản xuất thiết kế và đăng tải ngày càng tăng, đồng thời tần suất xuất hiện ngày càng dày đã chứng tỏ thể loại Emagazine đã trở thành một xu thế tất yếu trong cuộc chiến giành độc giả với các loại hình báo chí khác đặc biệt là với mạng xã hội. Nhưng điều quan trọng là nó đã góp phần tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho đội ngũ những người làm báo. Và đây chính là triển vọng tươi sáng, là giải pháp hữu hiệu để tạo nguồn thu và tăng nguồn thu cho các cơ quan báo chí nói chung và BĐT nói riêng” – Thạc sĩ Ngô Văn Phong nhấn mạnh.
Có thể thấy, nếu biết vận dụng được những lợi thế và phát huy tối đa hiệu ứng tích cực đối với độc giả, bài Emagazine sẽ nhanh chóng trở thành phổ biến, thu hút giữ chân độc giả, tăng lượng truy cập, tăng nguồn thu.
Hơn thế nữa, với các bài Emagazine được đầu tư công phu, xứng tầm đã góp phần làm cho độc giả định hình được thế nào là một tờ báo điện tử, xóa đi “định kiến” lâu nay về báo điện tử là "câu view rẻ tiền", "đưa tin không chính xác"… Thay vào đó là trang báo với những bài viết tử tế, sang trọng, cùng nội dung chuyên sâu và một cú click chuột có thể đến tay độc giả ngay lập tức. Với những ưu thế vượt trội, các bài viết dạng Emagazine sẽ tiếp tục đóng một vai trò vô cùng quan trọng trên các tờ báo điện tử, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số báo chí đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay.
Bảo Minh (Theo báo Công luận online)