Trong các sách tiếng Anh đề cập tới nội dung học thuật, bạn sẽ bắt gặp từ “Assistant Professor” khá thường xuyên. Vậy “Assistant Professor” nên dịch là gì trong tiếng Việt?
Ý kiến 1:
“Các đại học ở Australia có 4 chức danh khoa bảng: lecturer (giảng viên), senior lecturer (giảng viên cao cấp), associate professor (phó giáo sư ) và professor (giáo sư). Nhưng ở các đại học Mỹ có 3 chức danh professor: đó là assistant professor, associate professor, và professor. Chữ assistant professor rất khó dịch sang tiếng Việt, vì tuy mang danh là “assistant professor” (phụ trợ) nhưng những người có chức danh này chẳng phụ tá cho ai cả mà đã là một nhà nghiên cứu độc lập. Ở cả hai hệ thống, professor là chức danh cao nhất trong hệ thống học hàm đại học. Ở Australia cũng như ở Mỹ, giáo sư là một chức vụ (position), chứ không phải chức danh hay phẩm hàm theo cách hiểu ở Việt Nam.”
– GS Nguyễn Văn Tuấn Giáo sư dịch tễ học và thống kê học tại Trường Y, Đại học Notre Dame, Australia
Ý kiến 2:
“Hôm về Việt Nam, tôi nộp bản CV của tôi cho các bệnh viện và trường ĐH trong đó có ghi danh xưng của tôi là “Assistant Professor”.
Danh xưng này được dịch ra khá nhiều từ khác nhau tại Việt Nam. Có bạn dịch Assistant Professor là giáo sư trợ lý, bạn khác dịch là phó giáo sư, hoặc có bạn đề nghị là giáo sư dự khuyết.
Vậy Assistant Professor nên dịch là gì?
Trước hết, chúng ta thử tìm hiểu sự tương dương của danh xưng và học hàm ở Việtnam và Hoa Kỳ để dịch cho đúng.
Tại Việt Nam, các trường Y khoa tại hiện có 3 bậc giảng dạy chính là giảng viên, phó giáo sư, và giáo sư. Thường giảng viên trường Y khoa phải có bằng TS hoặc BS chuyên khoa II. Giảng viên là bậc giảng dạy đầu tiên. Sau một thời gian (thường là 3-5 năm), giảng viên được đề cử ra hội đồng giáo sư quốc gia để được phong hàm phó giáo sư hoặc giáo sư. Từ PGS lên GS thì thêm 5-10 năm nữa. Tại Việt Nam chỉ có một hội đồng GS nên việc phòng GS là phong học học hàm, kèm theo rất nhiều quyền lợi (tài chính và công việc).
Tại Mỹ, các trường Y có 4 bậc giảng dạy là instructor/lecturer, assistant professor, associate professor, và full professor. Instructor có thể dịch là giảng viên. Sau 1-3 năm, instructor có thể được phong lên Assist Professor. Sau 5 năm, Assistant có thể được phong làm Assosciate Professor và cuối cùng là full professor sau 5 năm.
Tuy tên 3 loại professor khác biệt nhưng cả 3 đều là cùng bậc giáo sư, chỉ khác nhau độ thâm niên và sự đóng góp với trường/bệnh viện. Danh xưng chung Professor là danh xưng chỉ có hiệu lực khi GS đang giảng dạy tại trường, sau khi nghỉ thì danh xưng này không còn.
Vì sự chêch lệch giữa 3 (Việt Nam) và 4 (Mỹ) cấp nên 2 chữ Assistant and Associate rơi vào bậc Phó giáo sư. Nhưng không thể dịch cả hai đều là phó giáo sư vì Associate thường cao hơn và lâu hơn Assistant một bậc.
Dịch Assistant là giáo sư trợ lý hay giáo sư phụ tá là không đúng vì Assistant Professor là một giảng viên độc lập, không hề trợ lý hay phụ tá ai cả (ngược lại, Assistant Professor thường có trợ giảng trong chấm bài). Vài trường hợp Assistant Professor cũng là chairman cùa một đơn vị hoặc giám đốc chương trình BS nội trú nội thần kinh tại trường Y khoa Keck USC.
Dịch Assist Prof là giáo sư dự khuyết là không đúng vì nằm trong faculty có quyền bầu cử đầy đủ trong Faculty Council.
Cách dịch gần nhất mà tôi thấy gần đây có bạn bên Việt Nam đưa ra là Assistant Professor là phó giáo sư 1 và Associate Professor là phó giáo sư 2. Theo ý bạn này thì hệ thống học hàm/danh xưng bên Việt Nam nên thay đổi theo xu hướng thế giới và cách dùng PGS1/2 là phù hợp với Assist/Assoc. như bên Mỹ.
– GS Wynn Tran Assistant Professor của khoa Y Dược, Đại học Dược WesternU, Hoa Kỳ
Ý kiến 3:
“Để việc phong học hàm ngày càng hội nhập quốc tế chúng ta rất nên có học hàm tương đương assistant professor vào trong hệ thống. Tên Việt Nam có thể gọi là “trợ lý GS” hay “PGS1” còn học hàm PGS hiện nay thì tương ứng với associate professor của quốc tế và có thể gọi là PGS2. Các tiêu chí cho PGS hiện nay có thể chuyển thành tiêu chí cho PGS1 còn tiêu chí cho PGS2 phải đưa lên mức gần với GS hơn (có thể bằng khoảng 2/3 yêu cầu về số điểm công trình quốc tế cũng như bài báo quốc tế uy tín). Đây là việc rất nên làm vì phần lớn các nước trên thế giới đều có ít nhất ba mức học hàm GS như vậy, chưa nói nhiều nước châu Âu có bốn mức (ở CHLB Đức người ta xếp loại full professor là C4 so với associate professor được xếp loại C3…).
Nếu chúng ta có các học hàm PGS1, PGS2 và GS thì tương ứng có thể xếp lương PGS1 = giảng viên chính, PGS2 = giảng viên cao cấp (bậc 1) và GS = giảng viên cao cấp (bắt đầu luôn từ bậc 5).”
– Đào Tiến Khoa
(Số lượt đọc: 3.948 lần, 5 lượt đọc hôm nay)